Mỹ từng gieo mầm cho chương trình hạt nhân Iran thế nào

06/07/2025
|
0 lượt xem
Thế Giới Tư Liệu
Mỹ từng gieo mầm cho chương trình hạt nhân Iran thế nào

Khi Tổng thống Donald Trump hạ lệnh tấn công chương trình hạt nhân Iran cuối tháng trước, ông đã đương đầu với một cuộc khủng hoảng mà Mỹ từng vô tình gieo mầm từ nhiều thập kỷ trước, qua việc cung cấp cho Tehran "hạt giống công nghệ hạt nhân", theo giới chuyên gia.

Nép mình ở vùng ngoại ô phía bắc thủ đô Tehran là một lò phản ứng hạt nhân nhỏ, được dùng với mục đích khoa học phi quân sự. Nó không phải mục tiêu trong chiến dịch mà Israel tiến hành trong 12 ngày hồi tháng 6 với lý do "loại bỏ khả năng sở hữu vũ khí hạt nhân của Iran".

Tổng thống Dwight D. Eisenhower (trái) cùng quốc vương Iran Mohammed Reza Pahlavi tại Tehran vào năm 1959. Ảnh: AP

Lò phản ứng Nghiên cứu Tehran này là thiết bị mang tính biểu tượng. Nó được Mỹ chuyển cho Iran vào thập niên 1960, nằm trong chương trình "Nguyên tử vì Hòa bình" của tổng thống Dwight D. Eisenhower.

Chương trình chia sẻ công nghệ hạt nhân với các đồng minh của Washington, những nước khao khát hiện đại hóa kinh tế và muốn xích lại gần Mỹ hơn trong thế giới bị chia cắt bởi Chiến tranh Lạnh.

Ngày nay, lò phản ứng này không tham gia vào quá trình làm giàu uranium của Iran. Nó sử dụng nhiên liệu hạt nhân quá yếu để có thể tạo ra bom nguyên tử. Tuy nhiên, đây là một minh chứng về cách mà Mỹ đã giới thiệu công nghệ hạt nhân cho Iran, khi đó do một quân vương thế tục (tách tôn giáo khỏi chính trị), thân phương Tây lãnh đạo.

Chương trình hạt nhân nhanh chóng trở thành niềm tự hào quốc gia của Iran. Ban đầu, đây được xem là động lực tăng trưởng kinh tế, nhưng sau đó, trước ánh mắt sửng sốt của phương Tây, nó trở thành một nguồn sức mạnh quân sự tối thượng tiềm năng.

"Chúng ta đã trao cho Iran bộ công cụ khởi đầu", Robert Einhorn, cựu quan chức kiểm soát vũ khí từng tham gia quá trình đàm phán hạt nhân giữa Mỹ với Iran, cho biết.

"Thời đó, chúng ta không quá lo ngại về việc phổ biến hạt nhân nên khá dễ dãi trong việc chuyển giao công nghệ này", Einhorn, hiện là chuyên gia cấp cao tại Viện Brookings, trụ sở tại Washington, nói. "Chúng ta đã giúp nhiều quốc gia khác bước chân vào lĩnh vực hạt nhân".

Chương trình "Nguyên tử vì Hòa bình" bắt nguồn từ bài phát biểu của tổng thống Eisenhower vào tháng 12/1953, trong đó ông cảnh báo về hiểm họa chạy đua vũ trang hạt nhân với Liên Xô và cam kết dẫn dắt thế giới "thoát khỏi căn buồng tăm tối kinh hoàng này để bước ra ánh sáng".

Tổng thống Eisenhower giải thích rằng thế giới cần hiểu rõ hơn về một công nghệ hủy diệt như vậy và bí mật về nó nên được chia sẻ vì mục tiêu xây dựng, phát triển.

"Lấy vũ khí này ra khỏi tay những người lính là không đủ. Nó phải được đặt vào tay những người biết cách dỡ bỏ vỏ bọc quân sự và biến đổi nó để phục vụ cho mục đích hòa bình", ông nhấn mạnh.

Nhưng cử chỉ này dường như không đơn thuần bắt nguồn từ lòng vị tha. Nhiều nhà sử học cho rằng tổng thống Eisenhower đang muốn che đậy việc Mỹ đang đẩy mạnh nghiên cứu vũ khí hạt nhân.

Ông cũng chịu ảnh hưởng từ các nhà khoa học, trong đó có J. Robert Oppenheimer, người đã góp phần phát triển quả bom nguyên tử ném xuống Hiroshima và Nagasaki, Nhật Bản, chưa đầy một thập kỷ trước đó.

Chính quyền Eisenhower cũng nhìn nhận chương trình là một cách để gây ảnh hưởng tới những "quân cờ" quan trọng trên "bàn cờ Chiến tranh Lạnh" toàn cầu, trong đó có Israel, Pakistan và Iran. Các nước này được cung cấp thông tin, thiết bị và đào tạo về hạt nhân để sử dụng cho mục đích hòa bình, như khoa học, y học và năng lượng.

Đất nước Iran đã nhận lò phản ứng nghiên cứu của Mỹ năm 1967 rất khác so với đất nước do các giáo sĩ và tướng lĩnh lãnh đạo ngày nay. Lúc đó, Iran do quốc vương Mohammed Reza Pahlavi dẫn dắt. Ông từng du học tại Thụy Sĩ, lên ngôi năm 1941. Quyền lực của ông được củng cố mạnh mẽ sau cuộc đảo chính lật đổ thủ tướng Mohammad Mosaddegh năm 1953 do Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) hậu thuẫn. Thủ tướng Mossadegh đã chống lại ảnh hưởng của các nước phương Tây bằng cách quốc hữu hóa dầu mỏ.

Quốc vương Pahlavi quyết tâm hiện đại hóa quốc gia và biến Iran thành một cường quốc thế giới với hậu thuẫn của Mỹ. Ông thúc đẩy chủ nghĩa thế tục và giáo dục phương Tây, nhưng thẳng tay kiềm chế các phe đối lập chính trị. Ông giảm ảnh hưởng của tôn giáo trong đời sống, cấm phụ nữ trùm khăn che mặt, khuyến khích nghệ thuật hiện đại, tập trung vào nhiệm vụ xóa mù chữ và phát triển cơ sở hạ tầng.

Một lò phản ứng nước sôi tại gian trưng bày của Mỹ trong triển lãm "Nguyên tử vì Hòa bình" ở Geneva, Thụy Sĩ, năm 1958. Ảnh: AP

Được thúc đẩy bởi chương trình "Nguyên tử vì Hòa bình", quốc vương Pahlavi đã cấp hàng tỷ USD cho chương trình hạt nhân Iran. Ông xem đây là trụ cột giúp đảm bảo độc lập năng lượng quốc gia và là niềm tự hào dân tộc. Mỹ khi đó liên tục đón các nhà khoa học trẻ Iran đến tham gia những khóa đào tạo hạt nhân đặc biệt tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT).

Thập niên 1970, Iran tiếp tục mở rộng chương trình hạt nhân bằng cách ký kết hàng loạt thỏa thuận với các đồng minh châu Âu. Trong chuyến thăm Paris năm 1974, quốc vương Pahlavi được chào đón nồng hậu tại Versailles trước khi ký thỏa thuận 1 tỷ đô mua 5 lò phản ứng hạt nhân công suất 1.000 megawatt từ Pháp.

Ban đầu, Iran là hình mẫu lý tưởng cho việc sử dụng năng lượng hạt nhân vì hòa bình. Quốc vương Pahlavi lúc bấy giờ rất được ngưỡng mộ tại Mỹ.

Một công ty dịch vụ tiện ích ở New England đã đăng quảng cáo hình ảnh quốc vương Iran với thông điệp: "Ông Pahlavi sẽ không xây dựng các nhà máy hạt nhân nếu nghi ngờ độ an toàn của chúng. Ông sẽ đợi, như nhiều người Mỹ mong".

Nhưng dù Mỹ đã thuyết phục được Iran ký Hiệp ước Không Phổ biến Vũ khí Hạt nhân năm 1968, trong đó Tehran chấp nhận các biện pháp giám sát quốc tế và cam kết không theo đuổi vũ khí hạt nhân, những nghi ngờ về ý định của quốc vương Pahlavi tại Washington vẫn ngày càng tăng.

Một bài báo năm 1974 đã chỉ ra rằng thỏa thuận lò phản ứng của Iran với Pháp "không công khai nhắc đến các biện pháp bảo vệ chống lại việc sử dụng chúng làm cơ sở chế tạo vũ khí hạt nhân".

Không bao lâu sau, quốc vương Pahlavi bắt đầu nói về "quyền" của Iran được tự sản xuất nhiên liệu hạt nhân trong nước - một năng lực cũng có thể áp dụng cho phát triển vũ khí hạt nhân. Ông chỉ trích các cuộc thảo luận về việc giới hạn hoạt động hạt nhân của Iran từ bên ngoài là vi phạm chủ quyền quốc gia. Đây là những luận điểm mà giới lãnh đạo Iran hiện nay vẫn dùng.

Khi Mỹ tiếp tục bày tỏ lo ngại, ông Pahlavi đã tìm kiếm hỗ trợ hạt nhân từ nhiều quốc gia khác: Đức giúp Iran xây thêm lò phản ứng và Nam Phi cung cấp uranium thô, hay còn gọi là "bánh vàng".

Đến năm 1978, không giấu nổi nỗi bất an, chính quyền tổng thống Jimmy Carter kiên quyết yêu cầu sửa đổi hợp đồng bán 8 lò phản ứng của Mỹ cho Iran. Phiên bản mới cấm Iran tái xử lý bất kỳ nhiên liệu nào do Mỹ cung cấp cho các lò phản ứng hạt nhân khi chưa được phép, nếu nghi ngờ nhiên liệu đó có thể được dùng để chế tạo vũ khí hạt nhân.

Các lò phản ứng của Mỹ không bao giờ được giao. Năm 1979, cuộc Cách mạng Hồi giáo bùng lên một phần vì sự căm phẫn của người dân đối với Mỹ, bên đã hậu thuẫn quốc vương. Ông Pahlavi bị lật đổ.

Trong một thời gian, tham vọng hạt nhân của Iran dường như không còn là nỗi lo của phương Tây. Những giáo sĩ lãnh đạo Iran, đứng đầu là lãnh tụ tối cao Ruhollah Khomeini, ban đầu không mấy quan tâm đến việc tiếp tục một dự án tốn kém vốn gắn liền với quốc vương Pahlavi và các cường quốc phương Tây.

Nhưng sau cuộc chiến tranh tàn khốc kéo dài 8 năm với Iraq vào thập niên 1980, ông Khomeini đã nhìn nhận lại giá trị của công nghệ hạt nhân. Lần này, Iran quay sang phía đông, hướng tới Pakistan, một quốc gia khác từng hưởng lợi từ chương trình "Nguyên tử vì Hòa bình". Nhà khoa học Pakistan Abdul Qadeer Khan đã bán cho Iran các máy ly tâm để làm giàu uranium đạt đến độ tinh khiết đủ để chế tạo bom.

Gary Samore, cựu quan chức hạt nhân hàng đầu Nhà Trắng dưới thời chính quyền Bill Clinton và Barack Obama, cho biết việc Iran mua máy ly tâm từ Pakistan là lý do thực sự khiến chương trình hạt nhân của nước này leo thang thành khủng hoảng toàn cầu.

"Chương trình làm giàu uranium của Iran không phải kết quả từ những hỗ trợ của Mỹ", ông nói. "Người Iran nhận được công nghệ máy ly tâm từ Pakistan và họ đã phát triển máy ly tâm của mình dựa trên công nghệ đó, thứ vốn dĩ dựa trên các thiết kế của châu Âu".

Tuy nhiên, những máy ly tâm này lại được sử dụng bởi hệ thống quản lý hạt nhân của Iran vốn do Mỹ giúp tạo dựng từ nhiều thập kỷ trước.

Trong nhiều năm, Iran đã bí mật mở rộng chương trình hạt nhân, chế tạo thêm máy ly tâm và làm giàu uranium. Sau khi các cơ sở hạt nhân bí mật của Iran bị phát hiện vào năm 2002, Mỹ cùng các đồng minh châu Âu đã yêu cầu nước này ngừng làm giàu uranium và công khai mọi hoạt động hạt nhân.

Iran nhiều năm qua khẳng định họ chưa bao giờ tìm cách phát triển vũ khí hạt nhân, viện dẫn một sắc lệnh tôn giáo của Lãnh tụ tối cao Ali Khamenei, người nắm quyền từ năm 1989, cấm các loại vũ khí này. Họ cáo buộc Israel "bịa đặt" khi mô tả các hoạt động hạt nhân của Iran là mối đe dọa an ninh.

Lãnh tụ tối cao Iran Ruhollah Khomeini phát biểu tại Tehran năm 1979. Ảnh: AP

Sau hơn 20 năm ngoại giao và chiến dịch của Israel cùng Mỹ, căng thẳng xoay quanh vấn đề hạt nhân của Iran vẫn chưa đi đến hồi kết. Ông Trump ban đầu tuyên bố cuộc tập kích hôm 21/6 đã "xóa sổ hoàn toàn" ba địa điểm hạt nhân của Iran, song theo giới chuyên gia, nhiều phần vẫn còn nguyên vẹn.

Một báo cáo mật bị rò rỉ từ tình báo Mỹ cho rằng đòn tập kích của Mỹ chỉ có thể làm chậm chương trình hạt nhân Iran "vài tháng". Lầu Năm Góc đầu tháng này nói rằng chương trình của Iran bị thụt lùi gần hai năm.

Các nhà quan sát giờ đặt kỳ vọng vào triển vọng nối lại đàm phán và đạt thỏa thuận hạt nhân toàn diện giữa Iran với các bên, nhằm giải quyết vấn đề cốt lõi.

"Iran sẽ phải đối mặt với quyết định khó khăn liệu có nên tiếp tục theo đuổi mục tiêu hạt nhân lâu dài hay không, nếu có thì sẽ làm như thế nào", Gary Samore, nhà phân tích của Financial Times, nhận định.

Vũ Hoàng (Theo AP, AFP, Reuters)

Tin liên quan
Tin Nổi bật